ÂM THANH 3D

ÂM THANH 3D

     Những pha rượt đuổi gây cấn, âm thanh của máy bay rơi, kính xe vỡ vụn, tiếng động đất, núi lửa phun trào,…lọt vào lỗ tai khi bạn xem phim không phải là một phép lạ nhưng lại khiến bạn vô cùng hồi hộp, phấn khích trong mỗi phút giây. Đó là nhờ sự có mặt của âm thanh 3D, vậy âm thanh 3D có những đặc điểm gì nổi bật để tạo nên những cảnh phim như vậy? Cùng tìm hiểu bài viết của SSQ Audio.

 

  • Âm thanh 3D là gì?

    Là dạng âm thanh lập thể hay còn gọi là Auro 3D, là một trong những tiêu chuẩn âm thanh nổi ba chiều thế hệ kế tiếp. Tiêu chuẩn này cho ra âm thanh sống động bằng cách để cho người nghe được một vòm âm thanh bao quanh, giúp người nghe có cảm giác họ đang thật sự ở trong một cảnh phim.

    Về bản chất, tác động của âm thanh 3D lên tai cũng giống như tác động của hình ảnh 3D đối với mắt. Trong khi hầu hết các hệ thống giải trí chỉ dùng nhiều loa để tạo hiệu ứng âm thanh vòm. Âm thanh 3D tiến thêm một bước bằng cách không chỉ phát ra âm thanh về phía người nghe mà còn bao phủ phía trên cũng như xung quanh bạn. Điều này tạo ra hiệu ứng phân tầng, khiến bạn hoàn toàn chìm đắm trong âm thanh sống động. Hiện nay có rất nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến cho ta cảm nhận âm thanh 3D như Samsung Smart TV,…

  • Nguồn gốc

    Clement Ader, một kỹ sư người Pháp thế kỷ 19. Năm 1881, Ader giới thiệu thiết bị Theatrophone, một hệ thống truyền âm dạng điện thoại để phát thanh một buổi hòa nhạc Opera ở Paris. Các cặp micro thu âm được thiết đặt vị trí phía trước sân khấu từ trái sang phải. Tín hiệu âm từ buổi hòa nhạc được truyền qua các đầu thu điện thoại đến người nghe. Và chỉ với một cặp thiết bị nhận tín hiệu ở mỗi tai, người nghe có thể thưởng thức vở nhạc kịch như đang ngồi ở các hàng ghế trước.

 

 

 

    Năm 1933, AT&T Bell Laboratories giới thiệu âm thanh 3D tại Chicago World’s Fair. Các kỹ sư sử dụng một hình nộm cơ khí mang tên Oscar, với micro thu âm gắn ở hai bên má phía trước tai. Oscar được đặt trong phòng kín để thu âm và người nghe phía ngoài dùng các thiết bị nhận tín hiệu để nghe thấy chính xác âm thanh mà hình nộm tiếp nhận. Kỹ thuật này cũng giống như cách mà Ader đã làm, tuy nhiên chất lượng âm thanh nhận được cả hai phát minh này đều khá tệ.

Âm thanh 3D có ứng dụng khá tốt trong các lĩnh vực âm thanh như phát thanh radio hay các kỹ thuật âm thanh thực nghiệm. Gần đây Cộng đồng ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response Community) còn sử dụng âm thanh 3D như một biện pháp giúp thư thái đầu óc.

 

  • Âm thanh 3D hoạt động như thế nào?

    Đầu tiên là phải có một số lượng loa nhất định. Loa trung tâm mang lời thoại do hầu hết các diễn viên nói từ vị trí chính giữa màn hình, các loa bên trái và phải mang âm thanh về âm nhạc và hiệu ứng âm thanh cùng một vài lời thoại ngoài lề xuất hiện từ phía bên hoặc các góc gần đó.

Tiếp theo là đặt hai loa hai bên và hơi cao hơn so với vị trí ngồi nghe, cung cấp các âm thanh môi trường và tạo hiệu ứng âm thanh vòm.

Cuối cùng, môt loa siêu trầm dùng để tái tạo các âm có tần số thấp và siêu thấp dùng trong các bộ phim có tiếng động vật như bước chân khủng long hay tiếng gầm của động cơ phản lực.